Ngoại hình Ophiophagus

Kích thước

Hình ảnh phân tích vùng đầu

Chiều dài trung bình của một con rắn trưởng thành đạt khoảng 3,18 đến 4 m (10,4 đến 13,1 ft), còn cân nặng trung bình khoảng 6 kg (13 lb). Trong lịch sử, mẫu vật dài nhất được biết đến lưu giữ tại sở thú London, phát triển chiều dài quanh khoảng 5,6 đến 5,7 m (18 đến 19 ft) trước khi chết nhân đạo do đúng thời điểm bùng nổ ra Chiến tranh thế giới thứ hai. Vào năm 1951, mẫu vật hoang dã nặng nhất được Câu lạc bộ hoàng gia quốc đảo Singapore bắt giữ, có cân nặng 12 kg (26 lb) và chiều dài 4,8 m (15,7 ft). Đến năm 1972, một mẫu vật nuôi nhốt khác thậm chí nặng hơn được lưu giữ tại công viên động vật học New York, đo lường cân nặng 12,7 kg (28 lb) và chiều dài 4,4 m (14,4 ft).[25]. Rắn hổ mang chúa là loài lưỡng hình về giới tính, với con đực to hơn và đặc biệt là màu sắc nhạt hơn trong mùa sinh sản. Những con đực bị bắt ở Kerala dài tới 3,75 mét (12,3 ft) và nặng tới 10 kg (22 lb). Những con cái bị bắt có chiều dài tối đa 2,75 mét (9 ft 0 in) và trọng lượng 5 kg (11 lb)[26]. Con rắn hổ mang chúa lớn nhất được biết đến dài 5,59 mét (18 ft 4 inch) và bị bắt ở Thái Lan[27]. Nó khác với các loài rắn hổ mang khác ở kích thước và mui đầu. Nó lớn hơn, có sọc hẹp hơn và dài hơn trên cổ.[28][29] Chiều dài và khối lượng của loài rắn này phụ thuộc vào môi trường sống cùng một vài yếu tố khác. Mặc dù có kích thước to lớn, rắn hổ mang chúa rất nhanh nhẹn và linh hoạt.[30] Một số loài rắn độc khác, chẳng hạn như rắn chuông lưng đốm thoi miền đôngrắn hổ lục Gaboon, thường có chiều dài ngắn hơn nhiều nhưng cơ thể to hơn, có khối lượng trung bình ngang ngửa với hổ mang chúa.

Da và sự lột xác

Rắn có da sáng màu do sống tại nơi nhiều ánh sáng
Rắn có da tối màu do sống tại nơi ít ánh sáng

Tùy theo môi trường sinh sống mà da rắn hổ mang chúa có màu sắc khác nhau,[31] thông thường rắn sống nơi nhiều ánh sáng, vùng sông suối, ao hồ có da sáng màu; còn rắn sống nơi ít ánh sáng, vùng rừng sâu, núi cao, hang động có da tối màu.[32] Da ở phần đầu và lưng có màu sắc biến thiên theo môi trường sống,[28][29] phạm vi màu sắc từ đen chì, rám nắng, ôliu nâu đến xám nâu, trắng xám.[33] Các vạch kẻ màu trắng hoặc vàng mờ nhạt chạy dọc theo chiều dài cơ thể.[34] Phần bụng có màu kem hoặc vàng nhạt, vảy mịn.[33] Phần cổ có màu vàng sáng hoặc màu kem.[7][35]

Chu kỳ lột da của rắn hổ mang chúa trưởng thành khoảng 4 - 6 lần trong năm, còn rắn con lột da mỗi tháng. Dấu hiệu đầu tiên báo hiệu rắn chuẩn bị bước vào thời kỳ lột da là đôi mắt. Đôi mắt không còn trong suốt mà biến thành màu sữa đục. Đến khi đôi mắt trong trở lại là rắn bắt đầu lột xác. Rắn chà xát cơ thể mình vào bề mặt, góc cạnh thô ráp; chúng cần khoảng 10 ngày để lột bỏ hết lớp da cũ.[32] Một làn da nhạy cảm mới xuất hiện ngay sau khi chúng lột bỏ lớp da cũ. Đây là những khoảng thời gian nhạy cảm nhất đối với loài rắn này. Do da còn non yếu nên rắn không đi săn mồi, nhất là những con mồi có khả năng chống trả cao. Thông thường, khi sống gần khu dân cư, đến thời kỳ lột da, rắn hổ mang chúa sẽ tìm đến khu dân cư (nhất là nhà bếp), tìm nơi trú ẩn tốt, không chỉ vì thức ăn mà còn muốn được sưởi ấm. Do đó, người dân rất dễ gặp nguy hiểm nếu tiếp xúc với rắn và rắn cắn trả lại theo phản xạ tự vệ.[36]

Rắn con còn nhỏ có lớp da đen tuyền và những vạch kẻ hẹp hình chữ V màu vàng hoặc trắng[7] (có thể bị nhầm lẫn với loài rắn cạp nong, nhưng dễ dàng xác định nhờ vùng mang cổ khá rộng của loài). Những vạch kẻ này thường mờ dần theo tuổi tác, có thể biến mất hoàn toàn, mặc dù vậy đa số rắn trưởng thành vẫn phô bày những vạch kẻ này trên da suốt đời.[35]

Vảy

Vảy rắn bao phủ toàn bộ cơ thể, cấu tạo từ keratin.[32] Vảy lưng dọc theo trung tâm cơ thể rắn gồm khoảng 15 hàng. Con đực có 235 đến 250 vảy bụng, trong khi con cái có 239 đến 265 vảy. Vảy đuôi đơn lẻ hoặc ghép cặp trong mỗi hàng, khoảng 83 đến 96 ở con đực và 77 đến 98 ở con cái.[30] Số lượng và sự sắp xếp của vảy hầu như không có gì thay đổi sau mỗi lần thay da. Vảy trên lưng nhỏ và tròn, còn vảy dưới bụng dài, rộng, căng ra toàn bộ chiều rộng bụng rắn và xếp thành một cột duy nhất theo chiều hướng xuống.[2][30][32]

Cấu trúc xương sọ

Rắn trưởng thành có phần đầu khá to lớn và đồ sộ, mặc dù giống như tất cả các loài rắn khác, loài rẳn này có thể mở rộng quay hàm nuốt mồi lớn nhờ hai xương khớp nối lỏng lẻo nhau tại hàm dưới.[32] Với cấu trúc bộ răng proteroglyph, nghĩa là sở hữu cặp răng nanh ngắn cố định tại hàm trên, phía trước miệng kèm theo hệ thống tiết nọc độc vào con mồi.[2][8]

Mang

Giống như các loài rắn hổ mang khác, rắn hổ mang chúa có khả năng phồng mang, bành rộng phần cổ ra do nếp gấp của lớp da lỏng lẻo hai bên cổ.[32] Rắn phồng mang rộng ra khi gặp nguy hiểm hoặc bị kích động, xương sườn kéo dài, mở rộng vùng da ra bên ngoài cổ, tạo thành hình dạng như mui xe phía trước cơ thể. Với cách này, rắn hổ mang chúa sẽ ngụy trang thân hình của mình to hơn bình thường rất nhiều, giúp rắn uy hiếp kẻ thù.[28]

Tuy nhiên, phần mang cổ của rắn hổ mang chúa hẹp hơn và dài hơn so với các loài rắn hổ mang khác.[8][32]

Mắt

Rắn hổ mang chúa sở hữu đôi mắt đen tròn sáng[32] và mi mắt trong suốt; có nghĩa là rắn hổ mang chúa không bao giờ chớp mắt, rất hữu dụng khi săn mồi. Khi bị trầy xước, lớp mi này nhanh chóng bong tróc và được thay thế bằng một lớp khác.

Tuổi thọ

Rắn hổ mang chúa hoang dã có tuổi thọ trung bình khoảng 20 năm.[37] Tuổi thọ tối đa ước lượng được 30 năm.[38]